Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa công nhận Cụm Tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy - Hà Nội là Khu công nghệ thông tin (CNTT) tập trung đầu tiên của Hà Nội. Việc công nhận này có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển ngành CNTT của Thủ đô.
|
Hiện đã có nhiều doanh nghiệp phát triển thành công tại Khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy. Ảnh: Bảo Lâm |
Khu CNTT tập trung Cầu Giấy nằm trên phố Duy Tân, cửa ngõ phía Tây Thủ đô, có vị trí thuận lợi, tập trung nhiều đầu mối giao thông huyết mạch, tiếp giáp với nhiều trường đại học, trong đó có Trường Đại học Công nghệ (thuộc ĐHQG Hà Nội), Đại học FPT. Nơi đây cũng có một loạt cơ sở hạ tầng hiện đại như khu chung cư cao cấp, khu công viên cây xanh, Cung Trí thức, hồ điều hòa, siêu thị... Đến nay, sau 12 năm phát triển, Khu CNTT Cầu Giấy đã trở thành tổ hợp văn phòng hiện đại với hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng thuận tiện. Toàn khu có 36 doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng các tòa nhà văn phòng cho thuê, trong đó có 19 tòa nhà đã xây dựng hoàn chỉnh, thu hút hàng trăm DN tới thuê địa điểm hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây (hiện có 235 DN đang hoạt động với cơ cấu ngành nghề đa dạng). Mặc dù số lượng DN CNTT không lớn (chỉ chiếm 36% số DN hoạt động tại đây), nhưng đều là những đơn vị lớn như Tập đoàn FPT, CMC, Viettel, Hài Hòa, Elcom, Misa... với tổng diện tích mặt bằng sử dụng cho hoạt động là 96.000m2, chiếm 52% tổng diện tích mặt bằng của cả khu. Số lượng lao động hoạt động CNTT cũng rất lớn, với hơn 10.000 người chiếm hơn 61% lao động tại đây. Những thông tin kể trên cho thấy tỷ trọng hoạt động trong lĩnh vực CNTT ở đây là rất cao.
Với việc được công nhận là khu CNTT tập trung sẽ có tác động tích cực đến sự phát triển của khu cũng như cả ngành. Hiện, Sở TT-TT với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành đã và sẽ tiếp tục làm việc với các ngành liên quan, từ đó tham mưu cho thành phố các chính sách ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế thu nhập DN và mức ưu đãi cụ thể như thế nào sẽ được công bố trong thời gian tới. Được biết, UBND quận Cầu Giấy cũng sẽ rà soát lại để đầu tư hạ tầng một cách đồng bộ, như thực hiện hạ ngầm kỹ thuật hệ thống dây thông tin, trang trí xây dựng lại vỉa hè... đáp ứng các tiêu chí của một khu CNTT tập trung theo quy định của Nhà nước.
Sắp tới, Ban quản lý Cụm Tiểu thủ công nghiệp Cầu Giấy cũng sẽ thay đổi về mô hình tổ chức theo hướng tăng vai trò, trách nhiệm... để phù hợp với điều kiện hoạt động mới. Như vậy, khi cả thành phố lẫn địa phương đều áp dụng chính sách ưu đãi với DN CNTT tại khu CNTT tập trung theo quy định sẽ hấp dẫn hơn với các DN CNTT đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh tại đây, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay. Cùng với đó, nơi đây cũng sẽ trở thành địa chỉ thu hút DN nước ngoài đến làm việc tại Hà Nội. Được biết, ngoài những ưu đãi như kể trên, thành phố cũng triển khai các chính sách hỗ trợ như tạo thị trường, tham gia các hoạt động thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, đào tạo... Song, có một vấn đề được đặt ra, đó là khu này được hình thành trên cơ sở cụm tiểu thủ công nghiệp, nên tại đây vẫn còn không ít DN sản xuất các ngành nghề khác không phù hợp với khu CNTT tập trung. Vậy, phương án xử lý sao cho phù hợp, hiệu quả lại rất cần sự chỉ đạo kịp thời của UBND TP và Bộ TT-TT.
Một vấn đề quan trọng không thể không nhắc tới là việc ra đời khu CNTT tập trung Cầu Giấy sẽ quy tụ được một khối liên kết các DN CNTT tham gia, hỗ trợ, triển khai hiệu quả quy hoạch phát triển CNTT Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Việt Nga
Comments[ 0 ]
Post a Comment