Thời điểm 31/10 đang đến gần, 12 cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội sẽ phải ngừng hoạt động, để di dời, giải toả. Trong số này, một số chủ cửa hàng xăng dầu vẫn đề xuất được ở lại để cải tạo, hoạt động tiếp. Còn lại phần lớn sẽ đóng cửa theo yêu cầu của thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là những cửa hàng này có thể di dời đi đâu? Đây đang là vấn đề mà nhiều doanh nghiệp cũng như dư luận quan tâm, bởi khi nhiều cửa hàng xăng dầu trong nội thành bị đóng cửa, sẽ dồn lượng cung ứng sang những cửa hàng khác, gây nguy cơ quá tải.
|
Một số cửa hàng xăng dầu đã chuyển sang kinh doanh mặt hàng khác. |
Trong danh sách 12 cửa hàng xăng dầu phải đóng cửa lần này, riêng Công ty Xăng dầu khu vực 1 có tới 3 cửa hàng. Ông Cao Quốc Hùng, Giám đốc Doanh nghiệp Bán lẻ xăng dầu, thuộc Công ty Xăng dầu khu vực 1 tỏ ra tiếc nuối khi cả 3 cửa hàng này phải ngừng hoạt động.
Theo ông Hùng, sản lượng của 3 cửa hàng này tương đối lớn, lên tới 1.200 m3/tháng, tạo công ăn việc làm cho 50 lao động. Cho nên đóng cửa các cây xăng này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến thời điểm này, công ty đã tháo dỡ xong cửa hàng xăng dầu số 17, ở 179 Đê La Thành, do quỹ đất không đảm bảo. Còn lại 2 cửa hàng khác, công ty sẽ dừng bán hàng từ 31/10 theo quyết định của thành phố.
"Những cửa hàng xăng dầu này tồn tại trên 20 năm rồi. Tuy nhiên, chúng tôi đã giải tỏa theo quy định. Đề nghị Sở Công Thương, Sở Phòng cháy - chữa cháy đề xuất lên thành phố hỗ trợ doanh nghiệp có cửa hàng thay thế. Thực sự giải quyết trong bối cảnh khó khăn thế này giải quyết công ăn việc làm cho 50 người không phải là đơn giản", ông Cao Quốc Hùng kiến nghị.
Trong khi một số doanh nghiệp không đồng tình với quyết định của sở liên ngành thành phố Hà Nội về việc dỡ bỏ cửa hàng xăng dầu; hoặc muốn được ở lại để cải tạo theo quy chuẩn mới, thì dư luận lại đồng tình với việc đóng cửa những cửa hàng xăng dầu không đảm bảo về khoảng cách với khu dân cư, công trình công cộng hay điều kiện phòng chống cháy nổ...Bởi nhiều cửa hàng xăng dầu được xây dựng từ hàng chục năm trước, nay không còn phù hợp với quy hoạch nữa.
Vụ cháy lớn ở cửa hàng xăng dầu số 2B Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng cách đây không lâu cho thấy mối nguy của những quả bom xăng trong lòng thành phố. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là, 12 cửa hàng này sau khi đóng cửa, thì số phận sẽ như thế nào? Xóa bỏ hẳn, hay là di dời sang địa điểm mới?
Đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Bởi doanh nghiệp thì vẫn cần kinh doanh, còn người dân thì vẫn cần nhiên liệu để phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Nếu xóa bỏ hẳn thì rõ ràng, nhu cầu mua xăng dầu lại dồn sang các cửa hàng khác. Chưa kể là có nguy cơ người dân tích trữ xăng dầu hoặc phát sinh tình trạng bán xăng dầu tự phát trên phố. Còn nếu di dời thì không biết chuyển đi đâu?
Ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó Giám đốc Xí nghiệp đầu máy Hà Nội, có cửa hàng kinh doanh xăng dầu...phải di dời cho biết,
"Chúng tôi chỉ mong cây xăng hoạt động lại vì xí nghiệp hiện tại không có mảnh đất nào để mở cây xăng ở địa điểm khác. Mở cây xăng mới cũng rất phức tạp và qua nhiều khâu thêm vào đó để xin đất lại càng khó cùng tốn kém nhiều chi phí, thủ tục như phải có kế hoạch xây dựng, sau đó làm dự án, cấu tạo cây xăng, lo phòng chống cháy nổ...", ông Tiến nói.
Hà Nội hiện có khoảng 500 cửa hàng xăng dầu, 1/3 số cửa hàng ở nội thành, nhưng lại bán ra tới 60% lượng xăng dầu cho nhu cầu xã hội. Trên thế giới, ngay cả ở những nước phát triển, mỗi cửa hàng chỉ bán bình quân 400 - 500m3 xăng dầu/tháng. Trong khi đó, hệ thống của Công ty Xăng dầu khu vực 1, có cửa hàng bán ra tới hơn 1000m3/tháng.
Hiện trạng này cho thấy, các cây xăng ở trung tâm Hà Nội đang quá tải trầm trọng. Vì vậy, bên cạnh đóng cửa cây xăng không đạt chuẩn, thành phố cũng đang tìm cách hỗ trợ quỹ đất để doanh nghiệp xây dựng cửa hàng mới.
Ông Hồ Quốc Khánh, đại diện Sở Công Thương Hà Nội - đơn vị chủ trì việc rà soát và di dời các cửa hàng xăng dầu ở Hà Nội cho biết: "Sở Công Thương cũng đề xuất một số vị trí dự kiến trong quy hoạch, nếu doanh nghiệp bị dỡ bỏ, tìm được đất hoặc thuê được, thì báo cáo với thành phố để thành phố hỗ trợ doanh nghiệp bị dỡ bỏ được tiến hành đầu tư ở vị trí mới. Theo quy định, các dự án phải tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên đối với doanh nghiệp bị di dời, dỡ bỏ cây xăng, thành phố tạo điều kiện để có thể kinh doanh ở vị trí mới căn cứ trên quy hoạch xăng dầu được thành phố phê duyệt cuối năm 2012."
Trong khi chờ đề xuất được giải quyết, trước mắt 12 cửa hàng này vẫn phải đóng cửa dừng hoạt động từ 31/10 và nộp lại giấy phép kinh doanh. Sau đó, doanh nghiệp có thể đề xuất để thành phố hỗ trợ chuyển đổi nhu cầu sử dụng kinh doanh mặt hàng khác trên vị trí đất cũ, hoặc xem xét kinh doanh xăng dầu ở địa điểm mới.
Việc di dời 12 cửa hàng xăng dầu không đủ chuẩn là cần thiết. Nhưng quan trọng hơn là xây dựng mạng lưới cung ứng xăng dầu phù hợp, nhất là trong khu vực nội thành, đồng thời đảm siết chặt các điều kiện an toàn cháy nổ đối với những cửa hàng xăng dầu đang tồn tại, không để "mất bò mới lo làm chuồng", cháy nổ rồi mới lo di dời hay quy hoạch./.
Danh sách 12 cửa hàng xăng dầu phải di dời, giải tỏa tại Hà Nội:1. Cửa hàng xăng dầu số 11 thuộc Công ty Xăng dầu Khu vực I, địa chỉ số 280 Đội Cấn (quận Ba Đình): Bị di dời do không đảm bảo ATGT, PCCC, nằm trong dự án giải toả khi mở đường giao thông.
2. Cửa hàng xăng dầu số 17 thuộc Công ty Xăng dầu Khu vực I, địa chỉ 179 Đê La Thành (quận Đống Đa): Bị di dời do không đảm bảo về ATGT, PCCC.
3. Cửa hàng xăng dầu 81 thuộc Công ty Xăng dầu Khu vực I (xã Kim Sơn, huyện Gia Lâm): Hiện công trình xây dựng đường hiện đã đến chân cửa hàng nên buộc phải di dời, giải toả.
4. Cửa hàng xăng dầu Kim Giang (quận Thanh Xuân): Không đảm bảo về ATGT, PCCC.
5. Cửa hàng xăng Công ty Fomach (Km2 đường 70, xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì): Hiện đang dừng kinh doanh, đang dỡ bỏ. Tại thời điểm đoàn liên ngành thành phố kiểm tra không có người trực tại cửa hàng.
6. Cửa hàng xăng dầu Thạch Cốc (Km9 quốc lộ 2, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn): Hiện cửa hàng đang nằm trên quốc lộ 2 trong diện di dời theo dự án khác; hết hạn giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu từ 31.5.2012, song vẫn tiếp tục hoạt động.
7. Cửa hàng xăng dầu Quang Lãng (xã Quang Lãng, huyện Phú Xuyên): Theo quy hoạch hệ thống bán lẻ xăng dầu đã được phê duyệt, cửa hàng này thuộc diện phải di dời do không đủ điều kiện.
8. Cửa hàng xăng dầu 304 - Công ty CP ĐT&PT dịch vụ Dầu khí, địa chỉ 174 Hà Huy Tập (thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm): Không đảm bảo yêu cầu về khoảng cách giữa cột bơm, bể chứa ngầm với đường dây điện.
9. Cửa hàng xăng dầu - Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội, địa chỉ 2D Khâm Thiên (quận Đống Đa): Chủ cửa hàng không xuất trình được các hồ sơ pháp lý cơ bản, không rõ chủ sở hữu, nằm trong sân cơ quan, lối ra vào chật hẹp, độc đạo, không có lối thoát...
10. Cửa hàng xăng dầu của ông Nguyễn Văn Đức (xã Chu Phan, huyện Mê Linh): Lấn chiếm hành lang bảo vệ đê nên phải giải toả.
11. Cửa hàng xăng dầu HTX Đồng Tâm (Km13, Đại lộ Thăng Long, huyện Hoài Đức): Doanh nghiệp tự ý xây dựng cửa hàng xăng dầu không giấy phép nên buộc phải đóng cửa, tiến hành các thủ tục đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu theo đúng quy định.
12. Cây xăng doanh nghiệp tư nhân Vân Anh (Hùng Tiến, huyện Mỹ Đức): Không đảm bảo ATGT, PCCC, không còn diện tích để cải tạo./.
Comments[ 0 ]
Post a Comment