Mô hình phòng học thông minh với những trang thiết bị hiện đại, hệ thống các thiết bị tương tác thay cho bảng đen phấn trắng, sách giáo khoa điện tử thay thế tình trạng học sinh còng lưng "gánh sách" tới trường đang được một số địa phương "khởi xướng".
Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết rất khuyến khích mô hình này, tuy nhiên các địa phương phải tính toán sao cho hiệu quả nhất, không đầu tư dàn trải, lãng phí.
Từ phòng học LAB tới phòng học tương tác
Những năm 1990, phòng học ngoại ngữ đa năng (gọi tắt là phòng LAB) bắt đầu được triển khai rầm rộ trong các trường học, trung tâm dạy ngoại ngữ ở các tỉnh, thành nước ta. Thời điểm đó, phòng LAB được xem là mô hình phòng học hiện đại nhất, khắc phục tình trạng "dạy chay, học chay". Tuy nhiên, đến thập niên cuối những năm 2000, hiệu quả phòng LAB không còn được đánh giá cao do có nhiều công nghệ giáo dục mới hiệu quả hơn đã xuất hiện với tính tương tác cao hơn. Phòng LAB tại nhiều trường ở thành phố hay nông thôn, miền núi được phủ bụi, hầu như không hoạt động.
"Phòng học LAB có ở Việt Nam từ những năm 1994, 1995, tại thời điểm đó các trường sử dùng vẫn hiệu quả cho tới khi đổi mới phương pháp dạy học thì phòng LAB không hiệu quả nữa", đại diện Bộ GD&ĐT cho biết. Theo phương pháp dạy học mới, Bộ giáo dục không quy định cứng các trường phải đầu tư mô hình này mà chỉ hướng dẫn các trường đầu tư theo hai nhóm: nhóm 1 là các thiết bị dạy học tối thiểu để dạy ngoại ngữ, có những thiết bị truyền thống như cát sét, ti vi, over head, tranh ảnh minh họa, đó là những trang thiết bị tối thiểu. Nhóm 2, để dạy và học hiệu quả, các trường có thể đầu tư các phòng học thông minh với bảng tương tác, over head, hệ thống online với máy mẹ (của cô) nối với các máy con (máy học sinh), có kênh tiếng và kênh hình ( nếu đã có hệ thống này thay thể thì không phải đầu tư các thiết bị tối thiểu nữa nếu nó đã thay thể được các thiết bị tối thiểu cho tránh tốn kém, lãng phí).
Tại TP Hồ Chí Minh, mô hình phòng học thông minh với hệ thống các thiết bị tương tác đang được đầu tư với kỳ vọng nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ ngay từ bậc học mầm non, tiểu học. UBND TP.HCM đã phê duyệt đề án "phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông" và đề án "Phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi", trong đó chấp thuận hỗ trợ 50% kinh phí để sắm bộ thiết bị bảng tương tác dùng trong các trường mầm non và tiểu học. 50% kinh phí còn lại được nhà trường vận động phụ huynh học sinh hỗ trợ và thực hiện tại các trường có điều kiện. Riêng các nơi khó khăn ngân sách nhà nước sẽ chi 100%. "việc trang bị các phòng học tương tác nhằm từng bước hiện đại hóa các nhà trường, giúp học sinh tiếp cận với các thiết bị giáo dục hiện đại giống như các nước trong khu vực và trên thế giới đang thực hiện", ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Giờ học với bảng tương tác tại trường mầm non Vàng Anh (Q5, TPHCM). "Trước đây khi không có hệ thống các thiết bị tương tác thì chúng tôi sử dụng đài Catset và ti vi LCD làm dụng cụ giảng dạy. Bảng tương tác không chỉ thay thế cả đài và ti vi mà còn có nhiều tính năng hữu hiệu giúp cho học sinh hứng thú với môn học, tiếp thu bài nhanh hơn, nhớ bài lâu hơn, hiệu quả hơn", thầy Đỗ Minh Luân, trường tiểu học Chính Nghĩa (Q5) chia sẻ.
Thầy Hồ Ngọc Thanh, giáo viên trường tiểu học Chính Nghĩa cũng cho biết: "Trung bình mỗi ngày tôi dạy khoảng 8 tiết học, các môn khác nhau, chỉ mang theo giáo án và học cụ đã là một "gánh nặng" thực sự. Từ khi có phòng học tương tác, chúng tôi soạn giáo án trên máy tính, tích hợp vào thư viện trên bảng và giảng dạy môn nào chỉ cần click chuột kéo ra là có đầy đủ, rất phong phú. Phòng học tương tác thực sự giúp nâng cao chất lượng bài giảng, giảm thời gian chuẩn bị học cụ, tăng thời gian tương tác giữa thầy với trò, với nội dung bài học".
Phòng học tương tác vốn được trang bị để học sinh học môn tiếng Anh song trước những hiệu quả trực tiếp mà hệ thống này mang lại, BGH trường tiểu học Chính Nghĩa đã tập huấn cho các giáo viên chủ nhiệm từ lớp 1 tới lớp 5 để đưa hệ thống phòng học tương tác vào nhiều môn học khác. "Trường chúng tôi được trang bị 3 bộ thiết bị tương tác, chúng tôi lắp cho 3 phòng học, các lớp trong trường luân phiên tới phòng học có hệ thống thiết bị tương tác để học. Các thầy cô đăng ký và nhà trường sẽ phân lịch để thầy cô sử dụng sao cho hợp lý, hiệu quả nhất. Hiện giáo viên và học sinh toàn trường đều đã được làm quen với các thiết bị tương tác. Các lớp học với phòng học tương tác đều sinh động hẳn lên", cô Đinh Kim Phượng, hiệu trưởng trường tiểu học Chính Nghĩa khẳng định.
Học tiếng Anh với bảng tương tác tại Trường tiểu học Chính Nghĩa. Ở bậc mầm non, cô La Hồng Cúc, phó hiệu trưởng trường mầm non Vàng Anh (Q5) cho biết : "Sau một thời gian sử dụng chúng tôi thấy cái được của các phòng học tương tác là tạo sự hứng thú, tò mò cho trẻ, tiết học vì thế rát sinh động, vui vẻ, trẻ được học, được chơi, kết hợp phát triển trí óc và vận động chân tay. Trước đây, khi mới sử dụng hệ thống các thiết bị tương tác cũng có ý kiến phụ huynh học sinh e ngại cho trẻ sử dụng CNTT thế là quá sớm song khi được quan sát thực tế hệ thống thiết bị tương tác, hiệu quả của nó và nhất là việc thiết kế giờ học chừng mực (không quá 30 phút/lần học), phụ huynh đã hiểu và đồng thuận".
Bộ GD-ĐT: Các địa phương cần mạnh dạn "tự quyết" TP Hồ Chí Minh đã quyết tâm đưa hệ thống các thiết bị tương tác vào trường học nhằm đổi mới hoàn toàn phương pháp dạy và học, nâng cao chất lượng giảng dạy theo mô hình tiên tiến của thế giới. Do đây là phương thức thực hiện mới trong đó vốn bố trí chỉ được 50% ngân sách hỗ trợ và phần vốn huy động xã hội hóa còn lại do phụ huynh đóng góp phải có thời gian dài nên Sở GD&ĐT đã đề nghị UBND các quận giao cho phòng giáo dục làm chủ đầu tư để thực hiện gói thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi tại 1 quận của thành phố, sau đó lấy kết quả này áp dụng cho các quận khác.
Theo đó, đơn vị trúng thầu phải thực hiện theo hình thức đầu tư ứng vốn trước và được trả dần theo tiến độ thu. Điều này đòi hòi đơn vị trúng thầu phải là đơn vị có năng lực tài chính vững mạnh cùng với kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động ứng dụng CNTT vào trường học. Đơn vị trúng thầu phải ứng vốn trước hàng trăm tỷ đồng và chấp nhận thu hồi sau 18 tháng.
Chia sẻ với phóng viên xung quanh vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết Bộ đã "trao quyền tự chủ hoàn toàn cho địa phương, địa phương chủ động và quyết định mua sắm gì, đầu tư gì sao cho hiệu quả và địa phương chịu trách nhiệm trước quyết định đầu tư của mình. " Các địa phương muốn đầu tư thiết bị phải căn cứ vào 3 điều kiện: trình độ giáo viên, khả năng tiếp cận của học sinh và tài chính và cơ sở vật chất trường học.Thực tế hiện nay nhà nước chưa đủ điều kiện để trang bị cho các trường học trang thiết bị hiện đại, phụ huynh thấy cần thiết thì tự nguyện đầu tư, coi như một dạng xã hội hóa tự nguyện, Bộ chỉ đưa ra các khung, các cảnh báo, hướng dẫn để các địa phương chủ động chứ không áp đặt", đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định. TP Hồ Chí Minh là địa phương tương đối đặc thù so với giáo dục cả nước, trình độ giáo viên tốt, học sinh mặt bằng chung là khá vì vậy địa phương hoàn toàn có đủ điều kiện để ứng dụng những công nghệ mới, hiện đại của thế giới vào giảng dạy.
Bộ GD&ĐT cho biết, chủ trương của Bộ là luôn khuyến khích tất cả các địa phương tiếp cận với công nghệ mới, tiếp cận khoa học giáo dục thế giới song đầu tư mô hình phòng học thông minh hay chất lượng cao từ nguồn xã hội hóa thì phải tuân thủ nguyên tắc là hoàn toàn tự nguyện và hiệu quả, không gây áp lực với phụ huynh học sinh để thu thêm. "Tự nguyện là tự nguyện thật mới có sự giám sát cho hiệu quả chứ không thể bị áp lực bên ngoài. Các địa phương, các trường đã được trao quyền tự chủ cần mạnh dạn, đi tiên phong thì phải chấp nhận thành công và thất bại chứ nếu cứ sợ trách nhiệm, không dám thí điểm hay triển khai cái mới thì chúng ta sẽ không có đổi mới giáo dục toàn diện, căn bản", đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định.
Như vậy, theo xu hướng mới, việc thay thế hệ thống các phòng học tương tác đi cùng với các phần mềm hỗ trợ dạy học, hệ thống các chương trình quản lý chất lượng trong giáo dục đào tạo và đào tạo đội ngũ giáo viên, học sinh có thể sử dụng tốt các hệ thống này hoàn toàn có thể thay thể các phòng ngoại ngữ như phòng LAB để có thể có hiệu quả cao hơn và mức chi phí rẻ hơn, đây cũng là một trong những giải pháp hữu hiệu trong điều kiện kinh tế Việt Nam còn nhiều khó khăn , mở đầu cho việc đổi mới cơ bản chất lượng giáo dục đào tạo mà nghị quyết TW 8 đã đề ra.
Thầy Lê Công Minh, hiệu trưởng trường tiểu học Trần Quang Khải, Q1: "Tôi đã để ý tới hệ thống phòng học tương tác từ 10 năm trước và nói thực là tôi rất đam mêm ứng dụng CNTT vào trường học vì thấy nó quá tốt để nâng cao chất lượng giảng dạy. Dạy học bây giờ có rất nhiều phương pháp tiên tiến, thế giới đã thay đổi và Việt Nam cũng cần thay đổi cho phù hợp nếu muốn có chất lượng giáo dục đạt chuẩn quốc tế. Ở trường chúng tôi mới chỉ ứng dụng một số phần mềm đồ họa và thiết kế, trình chiếu trên máy tính thôi mà học sinh đã rất hứng thú và hào hứng với các giờ học, nếu được học bảng tương tác thì các em sẽ thích thú hơn nhiều".
Cô La Hồng Cúc, phó hiệu trưởng trường mầm non Vàng Anh, Q5: "Trường chúng tôi có 700 cháu, phụ huynh học sinh đồng ý đóng góp 10 ngàn đồng/cháu/ tháng, không có học sinh nào từ chối hay phàn nàn với khoản thu này".
Comments[ 0 ]
Post a Comment