Phim psycho là phim gì?
Ngày nay, có thể thấy các bộ phim Hollywood đều rất “thoáng” trong việc mô tả tình dục và cũng táo bạo không kém trong các cảnh liên quan tới án mạng. Thế nhưng hơn nửa thế kỷ trước, việc xuất hiện những hình ảnh nhạy cảm như vậy trên màn ảnh rộng là điều không tưởng. Người tiên phong góp phần làm thay đổi hệ thống kiểm duyệt khắt khe ấy là đạo diễn Alfred Hitchcock với bộ phim kinh điển của thể loại ly kỳ - Psycho (tạm dịch là Sự hoảng loạn).
Hành trình của “sự hoảng loạn”
Nếu là người hâm mộ những bộ phim của Hitchcock nói riêng hay các bộ phim kinh điển của thế giới nói chung, Psycho chắc chắn là một cái tên quen thuộc. Ra đời năm 1960, bộ phim dựa trên cuốn sách cùng tên của tác giả Robert Bloch được làm dưới dạng đen trắng, dù Hitchcok đã có nhiều bộ phim màu trước đó.
Có hai lý do để ông làm điều này, trong đó đầu tiên là để vượt qua cửa kiểm duyệt do biết chắc những hình ảnh máu me sắc nét sẽ không bao giờ được chấp nhận để đưa ra rạp khi ấy. Thứ hai là ông muốn bộ phim được làm với phí sản xuất thấp nhất có thể, với suy nghĩ: “Nếu như đã có nhiều bộ phim đen trắng chất lượng thấp thống trị phòng vé thì điều gì sẽ xảy ra nếu một bộ phim đen trắng, kinh phí thấp nhưng thật hay được ra rạp?”.
|
Đạo diễn Alfred Hitchcock trên trường quay phim "Psycho". |
Psycho ra đời với chi phí vỏn vẹn 800.000 USD. Câu chuyện được dẫn dắt theo hành trình của Marion (Janet Leigh thủ vai), một cô gái tóc vàng đúng tuýp nhân vật mà Hitchcock ưa thích. Cô là nhân viên tại một văn phòng bất động sản. Khi Marion đang băn khoăn làm thế nào có đủ tiền để kết hôn với bạn trai thì cô nhận được một món quà từ trên trời rơi xuống – 40.000 USD. Đây là số tiền mà một khách hàng tới ký gửi để mua nhà cho con gái nhưng Marion lại chớp lấy cơ hội để biến nó thành của riêng và cao chạy xa bay.
Hành trình đào tẩu trong đêm mưa của Marion đưa cô tới với nhà nghỉ Bates, một trạm dừng chân tiêu điều vắng khách bởi nằm xa trục đường chính. Chủ nhân nhà trọ là Norman Bates (Anthony Perkins), một anh chàng có vẻ ngoài thư sinh và luôn miệng nhắc đến người mẹ già ốm yếu đang được chăm sóc ở một căn nhà gần đó. Sau bữa tối với Bates, Marion quyết định quay trở lại Phoenix để trả số tiền song cô không bao giờ còn cơ hội làm việc đó.
Trong lúc đang đứng dưới vòi hoa sen để tắm, cô đã bị một kẻ bí ẩn dùng dao đâm đến chết. Một lát sau, Norman Bates hốt hoảng chạy tới và phi tang dấu vết của Marion trong sợ hãi. Nhưng sự mất tích bí ẩn của Marion lôi kéo nhiều người tới nhà nghỉ Bates, từ viên thám tử Arbogast (Martin Balsam), bạn trai Sam (John Gavin) cho đến cả em gái cô là Lila (Vera Miles), để rồi sự thật kinh hoàng về tên sát nhân được hé lộ...
Với một cốt truyện ly kỳ cùng một chiến dịch quảng bá hiệu quả đã giúp choPsycho thành công hơn Hitchcock có thể tưởng tượng rất nhiều. Bộ phim gây cơn sốt ngay từ khi mới ra mắt, khiến công chúng phải xếp hàng dài trước các rạp chiếu không chỉ tại Mỹ mà còn ở nhiều nước Âu, Á khác. Đây là bộ phim đen trắng có âm thanh ăn khách nhất mọi thời khi tổng doanh thu được thống kê tới ngày nay là 40 triệu USD và đem về cho riêng Hitchcock 15 triệu USD.Psycho được đề cử bốn tượng vàng Oscar và dù không giành được giải nào, ảnh hưởng bộ phim trong thế giới điện ảnh còn lớn hơn bất kỳ bộ phim nào được ra mắt năm đó.
Hơn 50 năm qua, phim vẫn được công nhận như một tượng đài của phim kinh dị, ly kỳ và luôn nằm trong Top đầu của những danh sách bình chọn phim hay nhất của dòng phim trên. Không chỉ được giảng dạy trong nhiều trường lớp điện ảnh, Psycho còn kéo theo những phim ăn theo (không phải do Hitchcock đạo diễn) như Psycho 2, Psycho 3, Psycho “làm lại” năm 1998 hay mới đây là loạt phim truyền hình Bates Motel. Năm 2012, những diễn viên hạng A như Anthony Hopkins, Helen Mirren và Scarlett Johansson đã tham gia vào bộ phim Hitchcock – tái hiện quá trình quay Psycho.
Vụ án mạng kinh điển trong phòng tắm
Ngày nay, khi nhắc về Psycho không thể không nhắc tới cảnh nhân vật Marion bị đâm dã man cho đến chết dưới vòi hoa sen, bởi đây là nỗi kinh hoàng cho nhiều thế hệ khi bước vào phòng tắm và còn là một bước đột phá về góc quay, âm thanh cùng cách “hù dọa” khán giả trong điện ảnh. Được quay trong bảy ngày từ 17 tới 23/12/1959, cảnh quay này có độ dài khoảng ba phút với tận 77 góc máy quay khác nhau.
Thời ấy, Janet Leigh là một nữ diễn viên có tên tuổi tại Hollywood và thật khó tưởng tượng việc nhân vật do một ngôi sao hàng đầu của thập niên 1960 thủ vai lại có thể bị giết một cách không thương tiếc khi bộ phim mới trải qua được một phần ba. Thế nhưng Hitchcock lại dũng cảm làm điều đó và khiến khán giả bị sốc cũng như hoang mang không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Ông lấy ý tưởng thực hiện việc này khi đọc chính cuốn tiểu thuyết Psychogốc, lúc tác giả Bloch để độc giả đồng hành và sẻ chia cảm xúc cùng Marion trước khi bất ngờ loại bỏ cô. Để giữ cho chi tiết trên cũng như cái kết của phim được ít người biết nhất có thể, Hitchcock đã cho người đi mua toàn bộ những bản in Psycho còn sót lại trong các tiệm sách. Sự kỹ lưỡng của ông đã được đền bù xứng đáng, khi đa phần người xem đều thừa nhận rằng mình không thể lường trước được sự ra đi của nhân vật chính.
Nhưng cảnh “án mạng phòng tắm” nổi tiếng đến vậy còn bởi sự thiên tài trong cách quay phim của Hitchcock. Máu được làm giả bằng nước sốt chocolate, tiếng dao đâm vào da thịt được thu lại từ cảnh đâm một quả dưa vàng và cảnh quay còn được thực hiện trong màu sắc đen trắng, vậy mà nhiều người vẫn lo sợ khi phải tắm vòi sen sau khi xem xong Psycho.
|
Cảnh quay tắm vòi sen gây ám ảnh và trở thành kinh điển của điện ảnh thế giới. |
Điều này có được là nhờ những góc quay cận cảnh, cùng sự đột ngột. Khán giả được thấy Marion bước vào bồn tắm và khi đang đắm mình trong làn nước từ chiếc vòi sen thì đột ngột một bóng đen bí ẩn lao tới với con dao bầu lăm lăm trong tay. Trước khi người xem có thể thắc mắc đây là ai thì kẻ sát nhân đã cầm dao đâm liên tiếp vào người phụ nữ trẻ đang chống cự một cách bất lực.
Các góc quay được chuyển liên tiếp, không chỉ ở góc nhìn thứ ba thông thường mà còn từ góc nhìn thứ nhất khiến khán giả cảm nhận được phần nào sự kinh hoàng mà nạn nhân đang phải chịu đựng. Cùng với những nhát dao liên tiếp ấy là thứ nhạc nền dồn dập, chói tai được nhà soạn nhạc Bernard Hermann tạo bởi violin và cello khiến cảm xúc căng thẳng của người xem càng được đẩy lên gấp bội.
Cảnh quay kết thúc khi tên sát nhân bỏ đi, để lại Marion chới với trong bồn tắm và đưa tay níu tấm rèm trước khi ngã xuống. Nước có thể gột sạch những vết máu của cô, song tròng mắt mở toang cùng sự kinh hãi của người xem lại trở thành những ám ảnh khó phai. Ngay cả nữ diễn viên chính Janet Leigh cũng mang nỗi sợ hãi đó theo suốt đời, khi cô không bao giờ tắm vòi sen nữa trừ khi hoàn cảnh bắt buộc và luôn khóa chặt cửa mỗi khi làm vậy.
Hitchcock và cuộc cách mạng “Psycho”
Alfred Hitchcock được mệnh danh là “bậc thầy của sự hồi hộp” và Psychođược ưa thích tới tận ngày nay không chỉ bởi cảnh án mạng nổi tiếng trên mà còn bởi 109 phút của phim là cả một hành trình điều tra đầy ly kỳ và bất ngờ. Sự hồi hộp đó được giữ cho tới tận phút chót với một phong cách “Hitchcock”.
Nếu theo dõi kỹ phim, khán giả có thể bắt gặp những chi tiết thú vị của đạo diễn như sự xuất hiện chớp nhoáng của chính ông ở đầu phim hay sự thay đổi ở bề ngoài nhân vật Marion. Mở đầu phim, cô xuất hiện trong bộ đồ lót màu trắng bên cạnh người tình Sam như một biểu trưng cho sự trong sáng của tâm hồn, trước khi chuyển sang tông màu đen sau khi thực hiện hành vi xấu xa là biển thủ 40.000 USD.
Thành công của Psycho còn đến với sự lựa chọn diễn viên hoàn hảo, từ Janet Leigh tới Anthony Perkins. Nếu Leigh vừa có thể diễn tả nỗi sợ lại vừa là một cái tên hút khách thì Perkins lại có sức ám ảnh kỳ lạ. Một gương mặt thư sinh, có phần yếu đuối nhưng lại có một ánh mắt dường như đang che giấu một thế giới điên loạn đằng sau đó và khiến những ai từng xem Psycho phải nhớ mãi.
|
"Psycho" là bộ phim yêu thích của nhiều khán giả ưa chuộng dòng phim kinh dị, ly kỳ. |
Những bộ phim kinh dị với nhiều hình ảnh tra tấn rùng rợn sau này nhưFriday the 13rd, Saw... hay các chương trình truyền hình máu me như Dextercần phải cảm ơn Alfred Hitchcock bởi ông chính là người tiên phong trong việc đưa những cảnh quay nhạy cảm như vậy lên màn ảnh.
Ngày ấy, luật kiểm duyệt của Mỹ còn rất hà khắc và ngay cả việc đưa một đôi tình nhân chưa phải vợ chồng vào chung giường ngủ cũng bị cấm đoán. Thế nhưng Hitchcock đã lấy hình ảnh đó để mở đầu cho Psycho. Khi mà việc khỏa thân là chủ đề ít ai dám động đến, Hitchcock đã có thể quay vụ án mạng rùng rợn mà không để lộ hết thân thể Janet Leigh nhờ những góc quay độc đáo.
Là kẻ dẫn đầu trong việc mô tả những vụ án mạng kinh hoàng trên màn ảnh, tiên phong trong việc sử dụng hiệu ứng góc quay, âm nhạc... để đem lại nỗi sợ,Psycho đã trải qua hàng chục lần bị thay đổi mác kiểm duyệt trong 53 năm qua. Tuy nhiên, vị thế bộ phim nổi tiếng nhất của Alfred Hitchcock cũng như tượng đài của dòng phim kinh dị, ly kỳ vẫn sẽ còn mãi và không thể lay chuyển.
Trailer phim "Psycho" |
* Cảnh tắm vòi sen kinh điển |
Comments[ 0 ]
Post a Comment