Một cánh tay bị bại liệt, nhưng ông Hà Châu Ánh (xã Ea Chà Rang, huyện Sơn Hòa, Phú Yên) đang làm chủ trang trại 52ha mía cao sản với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Thời gian qua, nắng hạn miền Trung gay gắt kéo dài nhưng mía của ông Ánh vẫn xanh bạt ngàn, trong khi những đồi mía cạnh đó héo khô. Ông Ánh cho hay: "Năm nay do ảnh hưởng nắng hạn nên năng suất mía của tôi chỉ đạt 75 tấn/ha. Mấy năm trước, năng suất 80 tấn/ha trở lên. Song, so với nhiều người xung quanh, mía của tôi năng suất vẫn vượt trội".
Xe bồn chở nước tưới lưu động “giải hạn” cho cây mía của ông Ánh.
Cánh đồng mẫu lớn Trên chiếc U Oát gắn máy lạnh, tài xế riêng chở ông len lỏi qua các vùng gò đồi mía bạt ngàn. Đến từng nơi, ông xuống xe chỉ cho công nhân của mình chăm sóc mía. "Ngày nào chiếc xe cũng chở tôi đi thăm trang trại. Vì tật nguyền nên tôi chỉ nói để công nhân làm theo, chứ không cầm tay chỉ việc được. Không có mình, công nhân canh tác theo tập quán cũ làm sao mía tốt, có lãi nhiều được"- ông Ánh giãi bày.
Chiếc xe gắn máy lạnh, sáng sớm từ nhà ông ở thị trấn Củng Sơn (Sơn Hòa) đưa ông lên trang trại mía, chiều theo Quốc lộ 25 đưa ông về lại thị trấn.
Ông Hà Châu Ánh cho biết, công việc trồng mía cũng phải trăn trở lo toan, nhất là thời điểm đường nhập lậu qua biên giới nhiều làm cho giá đường thị trường trong nước xuống thấp.
Niên vụ mía 2013-2014, lần đầu tiên ở Phú Yên, ông Ánh liên kết 4 nhà trồng mía bằng cơ giới hóa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Ông Nguyễn Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên, cho hay: "Máy công cụ lần đầu tiên đưa về Phú Yên và cũng áp dụng đầu tiên trên ruộng mía ông Ánh. Mô hình cánh đồng mía mẫu áp dụng cơ giới hóa từ khâu làm đất đến khâu trồng, bón phân, làm cỏ đều sử dụng máy. Chi phí giảm 1,5 triệu đồng/ha so với cách trồng truyền thống".
Thu bạc tỷ Trước đây, ông Ánh lái xe cho huyện ủy Sơn Hòa. Một thời gian cánh tay trái của ông bị bại liệt, đi chữa nhiều nơi không khỏi. Về nhà, ông uống hết thuốc Nam đến thuốc Bắc nhưng cánh tay cứ teo tóp dần. Ông đành nghỉ việc về nhà.
"Ăn không ngồi rồi" chán, ông quyết định lên Ea Chà Rang mua đất trồng mía. Ông thuê công nhân khai hoang liền vùng, liền thửa hình thành vùng mía rộng lớn. "Lúc đầu, tôi dựng trại ở luôn trên này. Chiều tối mua con gà, lít rượu mời mấy anh em lai rai cho tình làng nghĩa xóm thắt chặt. Bà con xung quanh quý mến, thương tình. Vất vả mà vui vì thấy trang trại mía trải dài mát mắt, trúng liền mấy vụ, tiền bạc theo về"- ông Ánh tâm sự.
Sau đó, ông đầu tư trồng các loại giống mía cao sản K8329, KK3, D125 mới du nhập về. Ông đi tham quan mô hình trồng mía ở Ấn Độ, học hỏi kỹ thuật trồng các loại giống mía mới rồi về áp dụng linh hoạt trồng trên vùng đất gò đồi khô khốc.
Từ ngày trồng mía cao sản, ông "trúng" lớn, năng suất trung bình 80 tấn/ha, 2 năm liền giá bán ổn định 950.000 đồng/tấn, mỗi năm ông có bạc tỷ. Có người nói trồng mía như ông chờ ngày thu hoạch… đếm đô la. Tuy nhiên theo ông Ánh, công việc trồng mía cũng phải trăn trở lo toan, nhất là thời điểm đường nhập lậu qua biên giới nhiều khiến giá đường trong nước xuống thấp.
Hơn 10 năm gắn bó với cây mía, ông Ánh đã đầu tư mua xe tải vận chuyển mía bán cho nhà máy đường, đồng thời mua xe bồn chở nước tưới lưu động "giải hạn" cho cây mía khi gặp nắng hạn kéo dài, rồi ông mua ô tô để chở ông đi làm, đúng hơn là đi chỉ vẽ cho công nhân làm.
http://kinhte24.net/index.php/di-xe-may-lanh-cham-mia-thu-bac-ty
Comments[ 0 ]
Post a Comment