Ngày 5.11, kể về quãng thời gian từ khi bị bắt cho tới khi đi trại giam cho phóng viên Báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Chấn vẫn không khỏi “giật mình” khi nghĩ về quãng thời gian này.
Đến ngày hôm nay, mặc dù đã được về nhà, ở với vợ con nhưng ông Chấn vẫn không quên cảm giác những ngày ông bị ép cung. Ông Chấn kể: “Có cán bộ thì hỏi, người tay cầm dao, lăm lăm đe doạ, có người còn cầm búa giơ lên dọa nếu không khai thì cho chết. Khi bị tạm giam, có đêm tôi bị chuyển 3-4 buồng. Trong hơn 1 tuần không được ngủ nên đầu óc quay cuồng, lâng lâng, không còn muốn phản kháng nữa”.
Thậm chí, ông Chấn còn bị “đầu gấu” là phạm nhân cùng buồng đánh. “Vào buồng của phạm nhân Phạm Duy Hồng còn bị tên này đánh, dùng dép đánh vào 2 mang tai, sau đó bắt hát” – ông Chấn bức xúc. Sau khi bị đe dọa, ép cung thì ông Chấn được điều tra viên đọc cho viết đơn xin thú tội và đọc cả nội dung viết thư về cho vợ là bà Chiến.
Cũng ở tòa án cả hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, ông đều kể lại câu chuyện mình bị ép cung trước toà, song đều không được xem xét. “Để thực nghiệm hiện trường, các điều tra viên cho một tù nhân giả cô Hoan. Cán bộ còn đưa cho lúc cái thìa, khi cái lược để giả làm hung khí. Tôi phải tập nhiều lần cho đến khi thành thạo. Sau đó họ đưa đến một nhà dân để thực nghiệm hiện trường, bắt tôi diễn lại và quay phim” – ông Chiến kể.
Để làm rõ sự việc, phóng viên Lao Động đã tìm gặp luật sư Nguyễn Đức Biền (người trước đây là luật sư bào chữa cho ông Chấn ở hai phiên toà sơ thẩm và phúc thẩm - hiện là hiệu phó một trường trung cấp nghề ở Bắc Giang) để tìm hiểu rõ ngọn ngành.
Trao đổi với phóng viên, ông Biền kể: “Tại tòa, anh Chấn kêu oan, bị ép cung. Song trong hồ sơ lại thực nghiệm hiện trường thuần thục. Tôi hỏi anh không thực hiện hành vi tội phạm, sao lại thực hiện thành thục vậy thì anh Chấn trả lời là do điều tra viên dạy thực nghiệm”. Ngoài ra, là luật sư toà chỉ định, khi nghiên cứu hồ sơ và trực tiếp tham gia phiên xét xử, luật sư Biền một mực khẳng định chứng cứ buộc tội rất lỏng lẻo, tất cả chưa thuyết phục.
Một trong những chứng cứ quan trọng là tại hiện trường có dấu vết chân và ướm vết chân ông Chấn thấy phù hợp. Tuy nhiên, dấu chân thì đâu phải là dấu vân. Với những người có khổ bàn chân na ná nhau, ướm vào nhau vẫn vừa nên chứng cứ này cũng không thuyết phục. Hơn nữa, thời điểm xảy ra vụ việc đó có người chứng kiến là ông Chấn đến đó gọi điện nhờ cho ai đó và đã xác định được cuộc gọi đó do ông Chấn gọi. Đó là một chứng cứ ngoại phạm. Ngoài ra, theo cáo trạng, sau khi Viện KSND Bắc Giang cho rằng ông Chấn để lại hiện trường 1 lưỡi dao và chuôi con dao Chấn mang về vứt ở một bãi sắt; song cơ quan điều tra cũng không thu thập được chuôi con dao này và luật sư đã trực tiếp đến nơi cáo trạng viết để hỏi, song không hề có chuôi dao này.
Comments[ 0 ]
Post a Comment