Cha tôi kể, vào những năm 80, sinh viên tốt nghiệp đại học thường xung phong về nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa để xây dựng kinh tế mới. Sau vài ba năm, cha tôi nằm trong những người chuyển về thành phố, mang theo mẹ tôi lúc đó đang có thai, là tôi bây giờ.
Mẹ tôi là cô thôn nữ vừa xinh vừa giỏi việc đồng áng. Khi rảnh việc đồng, mẹ xoay qua việc nhà từ cơm nước cho đến chăm bầy heo, đàn gà và vườn rau, rồi thì khâu vá áo quần. Tháng nông nhàn, mẹ xay bột tráng bánh… Thời con gái, mẹ tôi là niềm ước ao của mọi bà mẹ có con trai, và dĩ nhiên, mẹ là một đám nhiều trai làng ngấm nghé. Nhiều mối bắn tin, nếu mẹ đồng ý, đám cưới sẽ mổ heo, cô dâu được cho hẳn căn nhà cùng mảnh vườn.
Vậy mà mẹ gật đầu với cha, một chàng trai ngoài tấm bằng kỹ sư ra chẳng có gì. Sau đám cưới dọn vài bàn tiệc ngọt bánh kẹo và nước trà, mẹ theo cha về căn phòng tập thể 12m2 mà ủy ban xã phân cho cha ở tạm trong thời gian công tác.
Hai năm sau, mẹ tiếp tục theo cha về thành phố. Cũng là phòng tập thể, nhưng thành phố không có đất trống để mẹ tranh thủ trồng rau, nuôi gà. Cũng chừng đó tiền lương cha đưa, nhưng giá cả mắc gấp hàng chục lần khiến mẹ hụt hẫng, vì không thể chu toàn mọi việc cho tới kỳ lương tháng sau. Và điều mẹ sợ nhất là khu tập thể không ai có vợ là nông dân như mẹ. Người là cô giáo, người là y sĩ, người là thủ thư… Mẹ thấy mình thấp bé vô cùng.
Lấy cớ bận chăm con mọn, mẹ né tránh mỗi khi hàng xóm đến chơi, vì sợ không biết nói năng thế nào. Cha xin cho mẹ làm công nhân, nhưng yêu cầu đơn giản là tấm bằng cấp II, mẹ cũng không có. Từ đó, mẹ càng rúc sâu hơn vào vỏ ốc của mình.
Mẹ bày bán bắp nướng ở góc đường. Qua mùa bắp, mẹ bán chuối chiên. Mùa nóng, mẹ xoay qua gánh chè đá… Cả khu tập thể biết mẹ bán hàng, nhưng mỗi khi người quen ngang qua, mẹ vẫn kéo cái nón thấp hơn. Mẹ mua được cái ti vi trắng đen, nhà tôi thành nơi mấy ông chồng tụ lại mỗi tối để xem thời sự và bàn luận đủ chuyện trên thế giới. Mẹ ở dưới bếp lắng nghe và cười sung sướng khi giọng cha sang sảng giữa mọi người và tôi ngồi trong lòng cha bi bô lặp lại.
Ti vi trắng đen lên đời ti vi màu, ai cũng khen mẹ giỏi, nhưng mẹ đỏ mặt mỗi khi nghe điều đó và vẫn nép dưới bếp lúc cha có khách. Gánh hàng của mẹ lớn dần thành quán tạp hóa khang trang, mẹ không còn kéo nón thật thấp nữa, nhưng đưa tôi đến trường thì mẹ nhất định không, phần việc đó dành cho cha. Họp phụ huynh học sinh, mẹ càng không. Mặc cảm về việc ít học khiến trường học trở thành thánh đường mà mẹ chỉ dám nhìn từ xa và tôi nhận được sự vun đắp hết lòng của mẹ để sau này không phải giống như mẹ.
Ti vi màu lên đời ti vi màn hình tinh thể lỏng, nhà trong hẻm chuyển ra nhà mặt phố, cha vẫn đi về tám tiếng mỗi ngày, toàn bộ việc còn lại, một tay mẹ lo toan, gây dựng. Mẹ chọn rèm cửa phòng khách thật đẹp, mua đồ vật trưng bày sang trọng cho cha và tôi hãnh diện với bạn bè, để rồi, khi khách đến, mẹ vội vàng lui ra sau bếp. Khách của cha với những bàn luận triết học khiến mẹ ngại ngùng thì khách của tôi càng khiến mẹ bối rối, vì tiếng tây tiếng tàu pha trộn cùng với đủ loại phím tắt… Thế giới trước mắt mẹ ngăn làm hai, bên này là một mình mẹ, bên kia là cha và tôi.
Tôi nghiễm nhiên chấp nhận điều đó, cũng như cha bấy lâu.
Mẹ rối bời khi hay tin cha có người khác. Mẹ ngỡ ngàng, cơn ghen nhường chỗ cho nỗi ngạc nhiên, vì người phụ nữ không thời trang lụa là và cũng không trẻ trung xinh đẹp như mẹ tưởng tượng. Cha thở dài xin lỗi và thề: “Không hề có gì xảy ra, chỉ là thỉnh thoảng trò chuyện thôi”. Mẹ khóc cay đắng. Chỉ là trò chuyện thôi, cái điều bao nhiêu năm dài làm vợ, mẹ vẫn không biết cách.
Đêm, mẹ qua nằm với tôi. Tôi ôm mẹ và lau nước mắt cho mẹ rồi chẳng biết làm gì, nói gì. Chính tôi cũng tự ngạc nhiên, sao với bạn bè có thể huyên thuyên hết trọn cục pin mới sạc, mà với mẹ thì… Tôi chợt nhận ra, mình cũng giống như cha, chẳng bao giờ trò chuyện với mẹ, chẳng bao giờ tặng mẹ những lời có cánh mà mình hào phóng với bạn bè và với những trang mạng ảo xa xôi.
Người khác của cha chỉ là cơn gió thoảng, cha tôi trở lại là người đàn ông chỉn chu, lặng lẽ, chỉ ồn ào tí chút khi có khách. Nhưng cơn gió thoảng đó đã thổi tung sự bình yên mẹ chấp nhận bấy lâu. Mẹ ra khỏi vỏ ốc bằng cách mua sắm váy áo ở những shop nổi tiếng, mẹ đến tiệm gội đầu làm tóc, mẹ dùng nước hoa thơm nức… Mẹ bứt mình ra khỏi bếp để lộng lẫy cùng cha tiếp khách.
Tôi cũng bứt mình ra khỏi sự vô tâm - bắt - chước - cha bấy lâu. Tôi bớt bạn bè để đưa mẹ đi mua sắm. Chẳng phải tôi ủng hộ cơn làm đẹp dữ dội của mẹ trong nỗi hờn ghen này, tôi chỉ muốn mẹ biết luôn có tôi là người thân bên cạnh, mẹ không phải đi cùng với ông tài xế tắc-xi xa lạ, càng không phải đi một mình. Bên cạnh cha con tôi, mẹ đã một mình quá lâu rồi. Tôi mong muốn biết bao, trước khi tôi theo chồng, được nghe mẹ nói mẹ rất vui và hạnh phúc.
Cha và tôi bắt đầu biết quan tâm đến mẹ từ thời điểm đó. Mùa hè, cha đề nghị về quê ngoại. Mẹ vui đến nỗi sẵn sàng đóng cửa quán dài ngày, điều mà thường ngày mẹ rất sợ vì lo mất khách.
Về quê, tôi bất ngờ nhìn mẹ trở thành người khác, có lẽ người khác đó đúng là mẹ hơn. Trút bỏ áo xống lụa là, mẹ nhúng mặt xuống thau nước giếng trong vắt, rồi xắn tay áo lăng xăng dọn vườn và gánh khoai. Mẹ cười khanh khách, nói sống ở thành phố lâu quá nên hư người, ngày xưa gánh hàng tạ vẫn đi phăm phăm, nay chỉ hai lưng thúng mà phải ngừng thở mấy lần. Mẹ lội ruộng mò cua với mấy đứa cháu và hát đối rộn ràng...
Bữa tiệc mừng con cháu quây quần, người đàn ông là chủ tịch xã nhìn mẹ đăm đắm. Ông là chàng trai làng ngày xưa ngỏ ý nhưng mẹ từ chối để theo cha, nay ông đã góa vợ. Nhìn cách ông ta cụng ly và cách cư xử đầy nể nang của nhà ngoại, có thể thấy ông ta thành đạt và được quý mến. Cái nhìn từ xưa vọng về khiến mẹ làm đổ ly rượu. Ông ta đem đến cho mẹ ly rượu khác và hỏi: “Bà có hạnh phúc không?”.
Ly rượu trên tay cha ngừng khựng. Có lẽ cha cũng đang đợi nghe mẹ trả lời. Và tôi hình dung mẹ... tung hê 25 năm làm vợ trong nỗi đũa lệch. Không gian này làng quê này, cuộc sống nơi này mới là của mẹ, khoảng sân bay mùi rơm rạ này mảnh vườn ngai ngái mùi rau non này mới là của mẹ… Và người đàn ông thành đạt kia, cái nhìn đăm đắm dành cho mẹ… có lẽ ông ta đã nghe phong thanh về cơn gió thoảng của cha tôi.
Mẹ cầm ly rượu đi về phía cha đang ngồi, mẹ trút rượu từ ly của mình qua ly cha, ngả đầu vào vai cha và hát như ru: “Đi đâu cho thiếp theo cùng/ Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam”.
Lần đầu tiên tôi thấy cha chảy nước mắt...
Comments[ 0 ]
Post a Comment