Làng So, xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Nội) có truyền thống làm miến từ lâu đời và đã cung ứng rộng khắp các thị trường Hà Nội và tỉnh lân cận. Phát triển là thế, nhưng dường như chả thấy làng nghề quan tâm đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm...
Miến được phơi ngay dọc đường, bên mương nước.
Hiện làng So còn khoảng 50 hộ sản xuất miến. Việc này không chỉ đem lại lợi nhuận cho các hộ sản xuất mà còn giúp nhiều người có thêm việc làm. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm đã và đang đe dọa môi trường sống nơi đây và ảnh hưởng trực tiếp tới vệ sinh an toàn thực phẩm sản phẩm miến.
Mới tới đầu xã Cộng Hòa đã tận mắt thấy hai bên quốc lộ bụi bặm được người dân đem miến mang ra phơi trên những tấm phên có dấu hiệu mốc xanh, đỏ. Không chỉ vậy, miến được tận dụng phơi khắp mọi nơi - ngoài sân, vườn, ruộng và cả bên những con mương bốc mùi.
Nhà xưởng nào của gia đình thuộc xã Cộng Hòa cũng có một máy nghiền cũ kỹ. Vì lợi nhuận, nhiều gia đình mua loại gạo lức rẻ đã quá hạn sử dụng, có nhiều chỗ bị mốc. Bột gạo được trộn cùng bột sắn với tỉ lệ bột sắn vượt trội, sau đó được cho vào máy lọc thành sợi miến. Để khắc phục tình trạng có nhiều bột sắn nên sợi miến khá giòn, dễ gãy có màu nâu, người sản xuất đã cho một loại hóa chất có tác dụng làm cho miến có màu trắng tự nhiên, dai, bảo quản được lâu.
Trong vai người buôn miến, chúng tôi được chị H giải thích rằng bột không hề độc, chỉ có điều khách mà biết thì không thích. Bác Phan Công Thành - một người làm miến lâu năm ở làng - cho biết, gia đình bác đã làm miến được hơn 20 năm nay. Mọi mánh nghề bác đều thông thạo. Theo bác Thành, trước đây, các hộ trong làng đều làm rất cẩn thận, nhưng nay, nhiều gia đình vì chạy theo lợi nhuận nên đã không thực hành đúng tiêu chuẩn về nguyên liệu đầu vào cho miến. Đó là chưa kể đến hàng loạt những hạn chế khác. "Thất đức lắm, mình lời lãi, nhưng cũng không thể so với sức khỏe của người khác được" - bác Thành cho biết.
Qua tìm hiểu, một số bột hóa chất không rõ nguồn gốc, địa chỉ nơi sản xuất được các chủ làm miến sử dụng... Khi tiếp xúc với những hóa chất này phải đeo găng tay caosu. Quy trình tạo màu cho miến rất đơn giản: Cho hóa chất vào bột, khuấy đều, ngâm khoảng 5 giờ. Nhờ có hóa chất này, thêm cả chất tẩy trắng để làm miến có màu trắng tinh. Cũng bởi nhờ sự can thiệp của hóa chất nên một số cơ sở chế biến có thể cho ra lò 5-6 tạ miến chỉ với 1 tấn bột dong riềng (?!).
Có tình trạng, người làm nghề chế biến riêng hai loại miến, một để bán, một để nhà dùng, nên khiến việc nghi ngờ miến có hóa chất càng trở nên đáng tin hơn!
Comments[ 0 ]
Post a Comment