Kinhte24.net - Kỳ vọng hợp tác với các ông lớn ngoại dần biến
thành nỗi thất vọng bởi kết quả không diễn ra như mong muốn, thậm chí
đi ngược lại với mục đích ban đầu. Nhiều DN Việt giờ đây đang hối hận
sau chuỗi ngày ngắn ngủi bắt tay với cổ đông nước ngoài.
Đứt chân vì đối tác ngoại
Chỉ khoảng 6 năm sau khi bắt tay với Coca Cola, các đối tác nội trong
liên doanh như Vinafimex và Nước Giải Khát Đà Nẵng đã lần lượt bị ông
trùm đồ uống Mỹ cho ra rìa.
Kỳ vọng của các DN nội ban đầu có lẽ rất lớn khi mà thị trường nước
giải khát trong nước bước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ và đối tác của
họ sở hữu một thương hiệu hàng đầu thế giới. Nhưng đến nay, có lẽ
quyết định bán cổ phần cho Coca Cola là một điều đau đớn, là bài học
điển hình thất bại khi liên doanh với nước ngoài.
Sau gần 20 năm, Coca Cola Việt Nam đã trở thành một thương hiệu lớn ở
thị trường nội địa nhưng đại gia đồ uống này cho đến nay vẫn chưa đóng
một đồng thuế TNDN nào do liên tục khai lỗ.
Đại diện của Coca Cola cho rằng, tầm nhìn của tập đoàn này ở Châu Á -
Thái Bình Dương là 2020, những khoản đầu tư mới chỉ mang ý nghĩa xây
dựng vị trí dẫn đầu tại thị trường Việt Nam. Điều đó có nghĩa rằng, tập
đoàn này sẽ tiếp tục mở rộng, doanh thu tiếp tục tăng nhưng sẽ vẫn lỗ.
Đây là lý do khiến cho đối tác Việt Nam trong liên doanh chịu không
nổi phải bán cổ phần cho đối tác với giá rẻ và rút lui.
CocaCola được cho là một nỗi xấu hổ đối với DN FDI Việt Nam.
Việc DN nội bị loại ra khỏi liên doanh hay bị thâu tóm diễn ra khá
phổ biến ở một thị trường đang phát triển như Việt Nam. Cuối năm 2012,
Công ty cổ phần nước giải khát Sài Gòn - Tribeco (TRI), một thương hiệu
nước giải khát hàng đầu tại Việt Nam cũng đã buộc phải quyết định giải
thể do thua lỗ triền miên. Mọi hoạt động của Tribeco Sài Gòn sẽ do
Tribeco Bình Dương tiếp nhận.
Theo quyết định, sau khi giải thể, cổ đông TRI nhận về khoản tiền 2.300
đồng/cổ phiếu. Đây là một khoản tiền bèo bọt nhưng đành phải chấp nhận
khi vốn chủ sở hữu cả âm trăm tỷ đồng.
Các nhà đầu tư đều biết rằng đây là một vụ thâu tóm. Thương hiệu
Tribeco với 20 năm phát triển đã rơi vào tay Tribeco Bình Dương, vốn do
nhà đầu tư nước ngoài nắm 100% vốn. Trong khoảng 5-6 năm liên tục,
Tribeco đổ tiền vào xây dựng Tribeco Bình Dương cũng là lúc một cổ đông
nước ngoài đầy kinh nghiệm Uni-President Việt Nam giành quyền kiểm
soát tại Tribeco và kiểm soát toàn bộ Tribeco Bình Dương.
Tribeco Bình Dương do Uni-President chi phối đã biến Tribeco Sài Gòn
thành nhà bán hàng thuần túy, không sản xuất. Tiền của Tribeco được đổ
ra ồ ạt xây dựng hệ thống bán hàng, quảng bá sản phẩm... trong khi nhà
sản xuất lại là Tribeco Bình Dương. Việc thua lỗ triền miên, bỏ cuộc
trong một cuộc chơi đầy toan tính như vậy là khó tránh khỏi.
Sai lầm khó sửa chữa
Trong trường hợp của Tribeco hay các đối tác nội trong liên doanh Coca
Coca Việt Nam, kết cục đã rõ. Sự thua thiệt của "bên" nội là không phải
bàn cãi. Trên thực tế, vẫn còn nhiều DN hiện tiến thoái lưỡng nan với
mối lương duyên nội-ngoại như trên. Trước thềm đại hội cổ đông 2013,
đại diện Bibica (BBC) đã phải thừa nhận sai lầm khi hợp tác với tập
đoàn Lotte của Hàn Quốc.
"Cuộc chiến" giữa BBC và Lotte chưa đến hồi kết do một cổ đông lớn khác
là Chứng khoán Sài Gòn (SSI) không tham dự đại hội, chưa bày tỏ chính
kiến. Tuy nhiên, mâu thuẫn dường như đã lên rất cao khi mà ban lãnh đạo
còn không tin tưởng lẫn nhau và muốn một bên thứ ba độc lập kiểm
phiếu.
Việc đối tác ngoại (nắm giữ 38%) muốn đổi tên Bibica thành Lotte và
kiểm soát hệ thống phân phối cho thấy tập đoàn này muốn biến Bibica
thành công ty con của họ. Kỳ vọng về sự hợp tác toàn diện giữa
Bibica - Lotte, từ quản lý, công nghệ đến kỹ thuật, xuất nhập
khẩu... giờ đây thực sự đã trở thành nỗi thất vọng.
Bibica hối hận về mối quan hệ với Lotte.
Không chỉ Bibica, giới tài chính trong nước trong thời gian gần đây
tỏ ra khá lo ngại về hiện tượng các doanh nghiệp Việt bị ngoại hóa, bị
thâu tóm. Cơ sở để nhiều chuyên gia đưa ra cảnh báo này là dòng vốn
ngoại M&A đang chảy vào thị trường trong nước rất mạnh mẽ, tập
trung vào nhiều ngành trong đó có vật liệu xây dựng, hàng tiêu dùng,
bánh kẹo, nước, cà phê...
Trường hợp gây ra nhiều lo ngại là ngành nhựa trong nước với động thái
một đại gia ngoại PCL liên tục gia tăng cổ phần tại Nhựa Tiền Phong và
Nhựa Bình Minh. Chưa biết kết quả như thế nào, nhưng rất có thể đây là
bước đầu trong chiến lược trở thành nhà sản xuất và phân phối nhựa hàng
đầu tại Việt Nam, bên cạnh thị trường Thái Lan, nơi TPC nắm 50% thị
phần. Hay như sự thống trị của đối tác ngoại và sự lép vế của nội trong
hoạt động của đại gia BigC như hiện nay.
Không chỉ rót tiền vào các thương vụ lớn (như SCG vào Prime, TPG và KKR
vào MSN, Semen Gresik vào Xi măng Thăng Long...), các tập đoàn lớn
cũng như quỹ đầu tư nước ngoài đang rót tiền cả vào các doanh nghiệp
nhỏ trong nước. Hoạt động đầu tư tài chính đôi khi trở thành các thương
vụ thâu tóm, sáp nhập.
Việc thu hút vốn ngoại là cần thiết trong bối cảnh doanh nghiệp nội
thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu kinh nghiệm quản lý... Tuy nhiên,
điều quan trọng có lẽ nằm ở khâu chọn đối tác. Việc đưa ra các ràng
buộc như cổ phần tối đa, nguyên tắc thị trường trong việc lựa chọn
nguyên liệu đầu vào, đầu ra... có thể là cần thiết để đảm bảo sự an
toàn, sự ổn định của doanh nghiệp và hạn chế khả năng thao túng của các
cổ đông lớn, tránh vết xe đổ của các sự vụ đau lòng vừa qua.
http://kinhte24.net/index.php/choi-voi-dai-gia-ngoai-thua-dau-hoi-khong-kip