Thuốc ép chín trái cây hiệu "Trái Chín" được ví như thứ "thần dược" hô biến trái xanh thành trái chín đang được sử dụng rộng rãi, nhưng trong đăng ký sản xuất lại là... phân bón lá.
Dễ dàng mua thuốc "Trái Chín" nhưng sử dụng vào việc gì, liều lượng ra sao khó ai kiểm soát được - Ảnh: Hoàng Việt |
Trong vai dân buôn trái cây, chúng tôi đến hiệu thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) T. (đường Hoàng Diệu, thị xã Long Khánh, Đồng Nai), hỏi mua thuốc ép chín trái cây. Cô gái bán hàng nhìn dò xét một lúc khá lâu rồi cho biết chỉ bán loại thuốc hiệu "Trái Chín", giá 40.000 đồng/chai 500 ml , loại này không bị cấm. Chúng tôi ngỏ ý tìm mua loại thuốc "nặng đô" hơn, cô bán hàng từ chối do "không còn loại nào khác". Tìm đến một tiệm thuốc BVTV khác cũng ở Đồng Nai, người bán cũng e dè dò xét, rồi cho biết chỉ bán loại "Trái Chín", muốn mua bao nhiêu cũng được.
Trái non cũng chín Thông qua giới thiệu, bà Sáu (chủ vườn trái cây ở Long Khánh, Đồng Nai) cho biết thị trường còn có loại thuốc ép chín trái cây dạng viên của Trung Quốc, giá 25.000 đồng/viên. Khi bỏ vào nước, thuốc sẽ sủi bọt như viên sủi. Dùng loại này trái cây xanh cỡ nào cũng chín ngay chỉ sau 1-2 ngày. Nhưng khi bà Sáu giới thiệu chúng tôi liên hệ với ông V. (một chủ vựa mít ở Long Khánh), thì ông này cho rằng loại thuốc ép chín trái cây của Trung Quốc bị cấm, nếu phát hiện bị bắt, bị phạt nên đại lý thuốc BVTV không còn bán nữa. "Hiện nay chỉ sử dụng thuốc "Trái Chín". Nếu muốn chín nhanh hơn, chỉ cần pha thuốc đậm là được, tăng liều lượng thì trái non cũng chín", ông V. nói. Nhưng bà Sáu thì khẳng định, dù cấm nhưng thuốc của Trung Quốc vẫn được bán lén lút, chỉ khách quen mới bán.
Tại Bến Tre, mỗi chai thuốc ép chín trái cây hiệu "Trái Chín" cũng có giá khoảng 40.000 đồng. Theo ông Ly (ngụ Bến Tre), việc sử dụng thuốc để ép chín chuối có cả chục năm trước. Tuy nhiên mấy năm gần đây thuốc ép chín được sử dụng tràn lan và sử dụng cho nhiều loại trái cây khác, trong đó nhiều nhất là sầu riêng.
Tại TP.HCM, liên hệ theo số điện thoại trên chai thuốc "Trái Chín", một người đàn ông nghe máy và hướng dẫn chúng tôi đến thẳng xưởng sản xuất ở đường Hà Huy Giáp (Q.12, TP.HCM) mua hàng. Theo thông tin ghi trên chai thuốc hiệu "Trái Chín", đơn vị sản xuất là Công ty TNHH sinh học HPH (327/37 Hà Huy Giáp, P.Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM). Về cách dùng, chỉ cần phun nhúng trái cây xanh (trái cần làm chín), như xoài, mít, chuối, cam quýt, bưởi, sầu riêng, bơ, nho, chôm chôm, sapo, thanh long, măng cụt... Đối với trái cà phê, tiêu sau khi hái có thể phun sương lên bề mặt trái, làm cho trái xanh chín đỏ tiện cho việc chế biến. Về thành phần, trên bao bì ghi: "Etylen 0,5%. Phụ gia ổn định". Công dụng: "Làm cho trái cây chín nhanh, chín đều, đồng loạt, màu sắc đẹp, chống sượng. Đặc biệt, giúp cho trái sầu riêng chín nhanh, không bị sượng...".
| Sau 1 ngày 2 đêm kể từ lúc ngậm thuốc, chuối xanh đồng loạt ngả màu vàng, thậm chí chuyển sang thâm đen
|
|
Càng đậm đặc càng chín nhanhChúng tôi liên hệ nhà sản xuất thuốc "Trái Chín" và được tư vấn: "Nếu thuốc dùng cho chuối, một chai 500 ml pha với 50 lít nước, chỉ cần ngâm xong là vớt ra ủ, không cần ngâm lâu 3 - 5 phút như hướng dẫn trên chai, để từ 2 - 3 ngày sẽ chín. Nếu muốn nhanh chín pha đậm hơn. Với sầu riêng pha đậm hơn, chai 500 ml pha 20 lít nước, ngâm sầu riêng vào thuốc rồi vớt ra, khoảng 3 - 4 ngày sau sẽ chín. Với mít cần để thuốc đậm đặc đâm trực tiếp vào cuống mít, khoảng 5 cc thuốc/trái lớn, 3 cc thuốc/ trái nhỏ. Chỉ cần bơm thuốc hôm nay ngay hôm sau mít chín".
Sau khi được tư vấn, tối ngày 9.10 chúng tôi bắt đầu làm thực nghiệm trên chuối xanh. Anh Hiền (một người buôn chuối có thâm niên trong nghề, ở Q.9, TP.HCM) đã cung cấp chuối "đẹc" để làm. Số chuối nguyên liệu này, theo anh Hiền nếu ủ bằng khí đá thông thường mất ít nhất 1 tuần mới có thể chín. Riêng với chuối lẻ là hàng phế phẩm, vừa non vừa lép, rất khó chín.
Chúng tôi pha thuốc với nước lã (tỷ lệ cao hơn theo hướng dẫn nhà sản xuất ghi trên chai) và được dung dịch màu vàng, không mùi. Sau đó ngâm chuối xanh vào dung dịch này khoảng 2 phút rồi vớt ra, để ở môi trường bình thường. Đến sáng ngày 11.10 thì số chuối "ngậm" thuốc này chín vàng, màu rất đẹp. Một số thì chuyển sang màu thâm đen. Thậm chí số chuối non phế phẩm cũng chín vàng. Anh Hiền cho rằng, dù người có kinh nghiệm cũng không thể phân biệt được chuối chín bằng cách ủ truyền thống và chuối chín do ngậm thuốc kiểu này. Tiếp tục theo dõi, sang đến ngày thứ 3 thì chuối chuyển sang màu thâm đen, cuống bắt đầu teo lại. Sau 5 ngày, số chuối này rục rã, bủn, tự rụng trái khỏi cuống, đen xì.
Sau 5 ngày 6 đêm ngậm thuốc, chuối xanh biến thành chuối rục, bủn, đen xì |
Chỉ là... phân bón láLiên hệ Chi cục BVTV TP.HCM, cán bộ thanh tra đơn vị này khẳng định, hiện trong danh mục thuốc BVTV không có loại nào ép chín trái cây. Sản phẩm "Trái Chín" của Công ty TNHH sinh học HPH sản xuất đăng ký là phân bón lá, không phải thuốc BVTV, không nằm trong danh mục thuốc BVTV, cũng không đăng ký với đơn vị này. Loại thuốc này không được phép sử dụng. "Quy định của pháp luật không cho sử dụng loại thuốc này xử lý chín trái cây. Nếu ngành chức năng kiểm tra trái cây phát hiện độc chất, người dùng thuốc này sẽ bị phạt", vị cán bộ thanh tra này nói.
Ông Nguyễn Bá Tùng, Thanh tra Chi cục BVTV Đồng Nai cũng khẳng định: "Sản phẩm "Trái Chín" không nằm trong danh mục thuốc BVTV. Việc người dân sử dụng thuốc này vô tội vạ, pha đậm đặc, liều lượng cao hơn hướng dẫn của nhà sản xuất chắc chắn trái cây sẽ tồn dư thuốc, ảnh hưởng sức khỏe người dùng".
Nhưng điều đáng lo ngại là trong khi cơ quan chức năng vẫn còn "nghiên cứu" thì phân bón lá núp dưới nhãn hiệu thuốc "Trái Chín" đã và đang đe dọa sức khỏe người tiêu dùng.
Comments[ 0 ]
Post a Comment