"Đến ngày cưới thì cả hai gần như kiệt sức, hụt hơi, đứng chào khách mà cười không nổi. Đúng là khổ sở vì cưới chồng kiểu hộc tốc" - Thu chia sẻ. "Việt dã" về nhà chồng
Dù đám cưới của mình đã qua được một thời gian, mọi chuyện trong gia đình cũng ổn thỏa đâu vào đấy nhưng Việt Hồng (Phủ Lý - Hà Nam) vẫn lộ rõ vẻ nuối tiếc xen lẫn mong muốn. Cô cho biết vì lý do vô cùng đặc biệt và cấp bách nên cô bỗng dưng phải làm cô dâu và gần như phải chủ động tự về nhà chồng thay vì được đón rước như bao cô dâu khác.
Từng mường tượng đám cưới của mình sẽ được tổ chức linh đình, xúng xính trong váy áo lộng lẫy, bạn bè vây quanh chúc mừng... Vì thế khi phải "ba chân bốn cẳng" về nhà chồng, không một lời thông báo cho bạn bè, cũng không có lễ đón dâu long trọng nên Việt Hồng không khỏi ngậm ngùi.
Được biết Việt Hồng và người yêu mới tìm hiểu được khoảng hơn 1 năm. Mặc dù còn băn khoăn chưa hiểu hết về nhau, cũng chưa sẵn sàng để đảm nhận vai trò làm vợ, làm dâu con trong một gia đình khác "Thế nhưng vì bố anh ấy đột ngột mất. Mẹ anh cũng không còn. Đứng trước tình thế đó, các bác, cô, dì bên nhà anh cho rằng nếu chờ mãn tang thì 3 năm sau chúng mình mới được tổ chức hôn lễ. Không muốn việc của con cháu nhỡ nhàng nên bác cả nhà anh đã đứng ra xin phép bên nhà mình cho hai đứa cưới chạy" - Việt Hồng chia sẻ.
Cô cũng cho biết rằng vì bố chồng vừa mất, đám cưới theo kiểu chạy tang nên ngày cưới của cô cũng chính là ngày phát tang bố chồng. Đám đón dâu của cô cũng vì thế mà qua quít, chóng vánh: "Mọi người đến đón dâu nhưng gương mặt ai cũng thể hiện rõ sự đau buồn, gấp gáp. Ngày hôm đó mình cũng không váy áo, trang điểm gì cả, chỉ có một nhành lan trắng cô bạn thân mua vội về cài lên tóc. Hai bên họ hàng làm cho đủ lễ nghi rồi mình chủ động về nhà chồng. Lúc đó nhìn chồng mình tâm trạng rối bời, vừa cưới vợ, vừa khóc cha mình thấy xót xa quá" - Việt Hồng kể.
Ngay sau khi Việt Hồng bước chân về nhà chồng, vái lạy tổ tiên xong, cả gia đình chồng vỡ òa trong tiếng khóc thảm thiết. Sau này cũng không ai nhắc đến chuyện cưới chạy của cô. Về phần chồng Việt Hồng, sau khi đám tang bố qua được 6 tháng thì anh mới chủ động đưa vợ ra tiệm ảnh cưới để hai vợ chồng chụp vài bức ảnh làm kỷ niệm.
Thu thấy bải hoải, mệt nhoài vì kiểu cưới chồng... hộc tốc (Ảnh minh họa)
Hụt hơi vì... cưới chạy
Ngồi nhớ lại kiểu cưới "chạy hơn chạy giặc" của mình Thu (Đội Cấn - Hà Nội) vẫn còn toát mồ hôi hột. Thu nói: "Cho đến giờ mình vẫn không tin là mình đã cưới chồng. Đám cưới diễn ra quá nhanh và gọn ghẽ. Cưới xong chồng cũng không ở bên cạnh nên cảm giác cứ như không".
Theo lời Thu kể, cô và Long yêu nhau từ khi cả hai còn ngồi ở giảng đường đại học. Gia đình hai bên cũng khá thân thiết và gắn bó. Việc cưới xin chỉ còn chờ ý kiến của đôi uyên ương là bố mẹ hai bên đứng ra lo liệu. "Thế rồi không hiểu thế nào mà anh ấy lại săn được xuất học bổng toàn phần du học Úc trong 3 năm. Có lẽ vì bối rối hoặc suy nghĩ gì đó mà anh ấy giấu biệt, mãi cho đến khi chỉ còn hơn 1 tháng là lên đường anh ấy mới thông báo với cả nhà" - Thu cho biết.
Bỗng dưng con trai đưa ra "câu chuyện trên trời", cả nhà Long như chết đứng. Mọi chuyện lúc này được mang ra mổ xẻ, trong đó có cả việc Thu sẽ phải đằng đẵng chờ đợi, xa cách người yêu cho tới khi Long học xong. "Mẹ anh còn đưa ra cả tình huống anh đi học xa, tôi ở nhà cô đơn sẽ đi yêu và lấy người khác. Và cũng không loại trừ luôn cả tình huống anh thay lòng đổi dạ, phụ bạc tôi khi đi học. Rồi tính toán chờ anh sau 3 năm đi học thì lúc đó tôi 29 tuổi, mẹ anh quyết định chúng tôi phải cưới trước khi anh đi" - Thu nhớ lại.
Và cứ thế, lấy lý do "thằng cu ấy phải đi học xa, mà con gái có thì" mẹ Long hớt hải sang nhà Thu bàn tính chuyện cho con trẻ kết hôn gấp. "Mẹ tôi có ngăn cản rằng chỉ trong thời gian đó thì chuẩn bị không kịp nhưng mẹ anh thì quả quyết 'Dịch vụ có sẵn, không phải lo gì hết. Tiệc đặt. Đồ đạc trong phòng cưới cứ ra showroom là có...'. Rồi hai bà mẹ lịch kịch mang sổ sách ra ghi chép và chốt. Chúng tôi muốn có ý kiến cũng không có cơ hội mà chen vào" - Thu kể.
Điều đáng nói là mặc dù tất cả được hai bà mẹ tính toán, gửi gắm vào dịch vụ nhưng cuối cùng những việc: chụp ảnh cưới, chọn nhà hàng, chọn giường tủ, đồ đạc, thực đơn cho tiệc cưới, thiệp mời..., Long và Thu đều phải lĩnh trọn. "Tính ra thì chỉ có khoảng 10 ngày để chuẩn bị từ A đến Z. Đụng đến đâu là bề bộn, ngổn ngang công việc đến đó. Lo đến độ mất ngủ, sụt cân. Cả hai chúng tôi "ba chân bốn cẳng" chạy ngược xuôi lo cho ngày trọng đại. Việc gì cũng tất tả, hớt hải nên người lúc nào cũng rơi vào trạng thái bải hoải. Đến ngày cưới thì cả hai gần như kiệt sức, hụt hơi, đứng chào khách mà cười không nổi. Đúng là khốn khổ với kiểu cưới chồng hộc tốc" - Thu tâm sự.
Sau khi cưới, vợ chồng quấn quýt được hơn 1 tuần thì Long bịn rịn xa vợ. Về phần Thu, ngoài việc về nhà chồng sống thì không có gì thay đổi, cô vẫn như thuở độc thân: "Một mình một phòng, tối đến chat với chồng hệt như hồi đang yêu. Bố mẹ chồng cũng tâm lý, thấy hai con xa nhau thì đang bàn tính mua vé máy bay cho con dâu sang Úc thăm chồng và 'săn' cho ông bà đứa cháu" - Thu cho hay.
Comments[ 0 ]
Post a Comment