Để đảm bảo sức khỏe, tránh những biến chứng có một số trường hợp phải trì hoãn cắt amidan.
ảnh minh họaAmidan (Amygdale) là các tổ chức bạch huyết nằm ở xung quanh vùng mũi họng. Các tổ chức này bao gồm: amidan vòm, amidan vòi, amidan khẩu cái, amidan lưỡi, amidan ở thành sau họng. Các tổ chức này phát triển ở mỗi độ tuổi khác nhau. Ở trẻ em, amidan vòm (VA) tăng mạnh. Ở tuổi thanh thiếu niên, amidan khẩu cái (A) phát triển mạnh, sau đó giảm dần ở người trưởng thành và teo đi ở tuổi già. Amidan có vai trò rất quan trọng vì là nơi sản xuất ra kháng thể IgG rất cần thiết trong miễn dịch, và là hàng rào miễn dịch giúp ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn từ ngoài vào cơ thể.
Viêm Amiđan là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Viêm amidan có thể gặp viêm cấp, viêm cấp tái phát, viêm mạn, viêm tấy hoặc áp xe quanh Amidan. Các biến chứng khác thường gặp là viêm nhiễm các tổ chức kế cận như viêm xoang, viêm họng, áp xe amidan.
Viêm amidan cấp có biểu hiện: sốt cao, rét run, đau họng, ăn uống khó, hôi miệng, sưng hạch góc hàm, hạch cổ, đau nhức cơ ...,thường do vi khuẩn, chủ yếu là liên cầu Beta tan huyết nhóm A, có thể gây biến chứng thấp tim và bệnh lý cầu thận.
Viêm amidan mạn có biểu hiện: viêm nhiễm dai dẳng, không rõ ràng, thỉnh thoảng có đợt viêm cấp. Các triệu chứng hay gặp là nuốt vướng, đau tai, nổi hạch cổ, hôi miệng do mủ amidan, khạc đờm giống bã đậu, amidan có thể to hoặc teo nhỏ, bề mặt có nhiều chấm trắng gọi là micro áp xe.
Điều trị viêm amidan - Điều trị nội khoa: chủ yếu với viêm cấp. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, ăn uống nhẹ nhàng, có thể dùng thuốc hạ sốt giảm đau hoặc kháng sinh khi có biểu hiện nhiễm khuẩn nặng, chăm sóc vệ sinh vùng hầu họng, mũi, tai phòng biến chứng.
- Điều trị ngoại cắt amidan: chủ yếu với viêm amidan mạn. Có nhiều quan điểm khác nhau về việc có nên cắt amidan hay không. Có quan điểm nói amidan chính là tổ chức miễn dịch bảo vệ cơ thể, không nên cắt mà nên bảo tồn tối đa có thể. Quan điểm khác lại cho rằng khi tổ chức này bị viêm, tạo thành một ổ chứa vi khuẩn gây bệnh, không điều trị dứt điểm sẽ có tác hại nặng nề cho cơ thể. Trên thực tế, tùy theo từng trường hợp bệnh nhân cụ thể mà có chỉ định cắt hay không cắt amidan. Khi nói cắt amidan tức là cắt amidan khẩu cái nằm ở 2 bên thành họng, ngay chỗ màn hầu.
Chỉ định cắt amidan cho những trường hợp sau:- Viêm amidan mạn tính có ít nhất 4 lần tái phát trong 1 năm hoặc 7 lần trong 2 năm hoặc viêm mạn tính mà điều trị nội khoa trong 4-6 tuần không đỡ.
- Áp xe amidan đã có ít nhất 1 lần phải vào viện điều trị.
- Amidan sưng to 1 bên kèm hạch cổ 1 bên to nghi ngờ ung thư amidan.
- Amidan có biến chứng vào khớp, thận, tim, viêm xoang...
- Amidan quá to gây cơn ngừng thở, khó khăn trong phát âm, ăn uống...
Để đảm bảo sức khỏe, tránh những biến chứng có một số trường hợp phải trì hoãn cắt amidan như: đang có bệnh lý nhiễm khuẩn, đang sống ở vùng dịch, phụ nữ có thai, trong chu kỳ kinh nguyệt...
Chống chỉ định cắt amidan trong các trường hợp:- Bệnh lý rối loạn đông cầm máu, ung thư, HIV/AIDS...
- Bệnh mạn tính: Hen, suy tim, đái tháo đường.
Trẻ dưới 5 tuổi và người lớn trên 45 tuổi nên hạn chế cắt amidan, bởi trẻ dưới 5 tuổi cắt amidan có thể ảnh hưởng khả năng miễn dịch, còn người trên 45 tuổi cắt amidan dễ bị chảy máu do amidan xơ dính hoặc có các bệnh khác kèm theo như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường...dễ gây ra các biến chứng.
Hiện nay có nhiều phương pháp cắt amidan, mỗi phương pháp có những ưu- nhược điểm riêng. Tùy điều kiện, trình độ, kinh nghiệm mà thầy thuốc lựa chọn phương pháp cắt amidan phù hợp.
Comments[ 0 ]
Post a Comment